21 Th9 GIẢI PHÁP THIẾT KẾ TẦNG LỬNG CHO NHÀ ỐNG, NHÀ PHỐ HIỆN ĐẠI | KINH NGHIỆM THIẾT KẾ
Nhà ống, nhà phố hiện đại thường có diện tích hạn chế về chiều ngang, đặt ra thách thức cho việc tối ưu hóa không gian sử dụng. Một trong những giải pháp thông minh để khắc phục hạn chế này là thiết kế tầng lửng. Tầng lửng không chỉ tận dụng được không gian về chiều cao của căn nhà mà còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trong chuyên mục kinh nghiệm thiết kế lần này, hãy cùng Tròn Decor tìm hiểu về những lý do và giải pháp thiết kế tầng lửng tối ưu không gian qua bài viết dưới đây nhé!
Tại sao nên thiết kế tầng lửng cho nhà ống, nhà phố hiện đại?
Với thiết kế tầng lửng, căn nhà có thể tận dụng toàn bộ chiều cao của nó, vừa tạo ra một không gian thứ hai giúp tăng diện tích sử dụng, vừa giúp không gian chính trở nên cao và thoáng hơn. Tầng lửng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ phòng ngủ đến phòng làm việc, thậm chí là không gian giải trí.
Gia chủ có thể tận dụng không gian dưới tầng lửng cho phòng khách hoặc bếp, trong khi không gian trên tầng có thể được thiết kế để đáp ứng nhu cầu riêng tư. Tạo ra sự kết hợp tinh tế giữa không gian chung và riêng, đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình mà không cần mở rộng diện tích căn nhà.
Trong bối cảnh những căn nhà mọc san sát nhau, gây ra vấn đề về thiếu hụt ánh sáng, thiết kế tầng lửng tạo điều kiện cho việc thiết kế cửa sổ lớn. Khoảng cách giữa trần và mặt sàn trong nhà có tầng lửng giúp cung cấp không gian đủ lớn để đặt cửa sổ lớn và ánh sáng tự nhiên có thể tràn vào mạnh mẽ hơn, giúp không gian giảm đi sự tù túng một cách đáng kể.
Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, thiết kế tầng lửng giúp tận dụng không gian để trưng bày hàng hóa, lưu trữ đồ, kho chứa đồ,… giúp không gian trở nên chuyên nghiệp và gọn gàng.
Các lưu ý và giải pháp khi thiết kế tầng lửng cho nhà ống, nhà phố hiện đại
Vị trí đặt tầng lửng
Việc xác định rõ diện tích và vị trí cụ thể của tầng lửng sẽ giúp gia chủ có cái nhìn tổng quan và tiện lợi hơn trong việc lập kế hoạch và quản lý nguồn lực cho dự án thiết kế. Ngoài ra, điều này cũng giúp gia đình có thể ước tính chi phí cụ thể và chuẩn bị cho việc trang trí và bố trí nội thất tại không gian này.
Với nhu cầu dành cho sinh hoạt gia đình, vị trí khi thiết kế tầng lửng cần cân nhắc đặt từ khoảng giữa căn nhà lùi về phía sau giúp phần phía trước có một không gian tiếp khách thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ và sinh hoạt gia đình.
Thêm vào đó, nên bố trí tầng lửng ở mép tường trái hoặc phải của căn nhà, tránh đối diện với khu vực bếp ở tầng dưới. Điều này giúp tránh tình trạng hơi nóng và mùi thức ăn từ bếp ảnh hưởng đến không gian tầng lửng.
Trong nhiều trường hợp, khi đối mặt với không gian quá hẹp, không có cách nào khác ngoài việc đặt tầng lửng theo vị trí đã xây dựng. Khi đó, các nhà thiết kế sẽ cân nhắc trong cách bày trí giường, hoặc không gian làm việc, giải trí,… bằng cách cố gắng thay đổi vị trí các nội thất trong khu vực trọng tâm tránh khỏi vị trí của bếp.
Kết hợp thiết kế khoa học & riêng tư
Thiết kế tầng llửng thường giao động trong khoảng chiều cao khoảng 2.2-2.5m, tùy thuộc vào mục đích sử dụng, thiết kế tầng lửng có thể được biến đổi thành một không gian sinh hoạt đa năng.Ví dụ, nếu gia chủ muốn sử dụng tầng lửng như một phòng khách phụ hoặc không gian sinh hoạt gia đình, có thể yêu cầu thiết kế cao hơn (với độ cao vừa phải tránh gây cảm giác lấn át) và có thể thông ra giếng trời, cửa sổ trần.
Lúc này, giải pháp lệch tầng sẽ giúp tầng lửng cao hơn mà không làm cho khoảng trống phía trước quá lớn, tránh tình trạng không gian trống trải không cần thiết.
Đối với nhà ống có thiết kế tầng lửng cho các mục đích riêng tư như không gian làm việc, phòng ngủ với mặc định vị trí bao quát xuống không gian chính. Có thể cân nhắc thiết kế vách lam gỗ, cửa kính trượt,… giúp đảm bảo độ riêng tư nhất định mà vẫn không gây bí bách quá nhiều. Hoặc sử dụng lan can có kính cường lực kết hợp màn che cũng là giải pháp phổ biến. Ngoài ra thiết kế tầng lửng có thể sáng tạo thành dạng khối hộp, như một căn phòng riêng biệt (đặc biệt phù hợp cho nhà ống, nhà phố nhỏ).
Thiết kế tầng lửng cho nhà phố có mái dốc
Đối với thiết kế nhà phố có mái dốc, mái lệch, phía trên tầng lửng thường đối diện với mặt nghiêng của mái. Trong trường hợp này, gia chủ cần được tư vấn điều chỉnh kết cấu mái sao cho thiết kế xà ngang tránh chèn ép không gian tầng. Nhìn chung, thiết kế này tuy khác về kết cấu nhưng vẫn có điểm giống với thiết kế tầng áp mái, để giải quyết vấn đề oi nóng có thể tham khảo các giải pháp như sơn chống nóng, bông thủy tinh cách nhiệt, hay lắp đặt các hệ thống thông gió và làm mát hiệu quả.
Tuy nhiên, việc tìm ra giải pháp tốt nhất cho trường hợp này đòi hỏi sự tư vấn từ các kiến trúc sư và chuyên gia trong lĩnh vực. Họ có thể xem xét hiện trạng, cấu trúc thực tế của ngôi nhà và đưa ra giải pháp phù hợp nhất, đảm bảo rằng không gian tầng lửng không chỉ thoải mái mà còn tiết kiệm năng lượng và hiệu quả từ quan điểm thiết kế.
Hy vọng với bài viết này, Tròn Decor đã giúp bạn hiểu được các khía cạnh quan trọng khi thiết kế tầng lửng cho nhà ống, nhà phố hiện đại. Quá trình này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về vị trí, kích thước, và nội thất để đảm bảo rằng nó phù hợp với nhu cầu và trải nghiệm sống của gia đình. Tròn Decor sẵn sàng lắng nghe và đưa ra những giải pháp phù hợp với nhu cầu của bạn, cũng như cung cấp các trải nghiệm dịch vụ tốt nhất từ thiết kế đến cải tạo cùng những ưu đãi hấp dẫn!.
Hình ảnh tham khảo: Tròn Decor, Internet
Nội dung: Tròn Decor
——————————————————
Chuyên thiết kế thi công các công trình nội (ngoại) thất các loại Căn hộ, Biệt thự, Nhà phố, Văn Phòng, Tiệm nail, Salon, Spa, Quán cafe, Nhà hàng.
Hotline: 0833.500.373
Địa chỉ: 81/26 Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận TP.HCM, Việt Nam
Facebook: https://www.facebook.com/circle.decor
Website: https://trondecor.com/